LÀM CHA MẸ TRONG THỜI ĐẠI MỚI: TỈNH THỨC GIỮA XÃ HỘI ĐẦY BIẾN ĐỘNG
- Trường Tiểu học Jean Piaget
- 5 thg 4
- 4 phút đọc
Trong một thế giới nơi ai cũng mỏi mệt và khao khát những giải pháp nhanh hơn, hiệu quả hơn, dễ dàng hơn – từ học tập, làm việc đến cả sáng tạo nghệ thuật – nhiều bậc cha mẹ thấy nhẹ nhõm khi mình có thể quyết định mức độ “dễ” hay “khó” cho cả bản thân và con cái. Nhưng sự nhẹ nhõm ấy, trong kỷ nguyên AI đang thay đổi với tốc độ chưa từng có, có thể là một ảo giác nguy hiểm.

Có một hiện thực đang diễn ra âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt hơn bất cứ cơn sốt công nghệ nào: trẻ em đang dần mất đi khả năng tập trung, thói quen đọc sâu và tư duy độc lập. Vào cuối năm 2024, một thuật ngữ mới đã được đặt tên cho hiện tượng này – “brain rot” – khi não bộ dần “mục ruỗng” vì tiêu thụ quá nhiều nội dung rác, lặp lại, dễ dãi, không hề thử thách tư duy.
𝐁𝐫𝐚𝐢𝐧 𝐫𝐨𝐭 – 𝐤𝐡𝐢 𝐭𝐫𝐞̉ 𝐧𝐠𝐡𝐢𝐞̣̂𝐧 𝐭𝐡𝐮̛́𝐜 𝐚̆𝐧 𝐧𝐡𝐚𝐧𝐡 𝐜𝐡𝐨 𝐭𝐫𝐢́ 𝐧𝐚̃𝐨
“Brain rot” không chỉ là việc trẻ “nghiện” điện thoại hay YouTube. Nó là kết quả của một hệ sinh thái nội dung được thiết kế để gây nghiện, giữ người dùng ở lại càng lâu càng tốt, nhưng lại không để lại dấu vết nào của sự phát triển trí tuệ.
Mỗi tương tác người – máy chỉ kéo dài vài giây, thu hút bởi hiệu ứng thị giác, âm thanh, lời thoại ngắn gọn – nhưng không yêu cầu trẻ phải ghi nhớ, phân tích hay hoài nghi. Trẻ trượt tay qua hàng trăm video, nhưng đầu óc rỗng không.
Tôi hàng ngày gặp những học sinh lờ đờ, mỏi mệt trên lớp, không thể tập trung hay tư duy, chỉ vì thời gian ngủ bị rút ngắn do nghiện thiết bị mà cha mẹ không kiểm soát được. Tôi cũng gặp những học sinh có bài tập đúng một cách hoàn hảo, nhưng hoàn toàn không hiểu bài – vì các em để AI làm hộ.
Và hành trình mục ruỗng ấy diễn ra rất lặng lẽ – mà dường như ít cha mẹ nào kịp nhận ra:
Trẻ mất kiên nhẫn với những nhiệm vụ cần nỗ lực như đọc sách, viết văn hay giải toán.
Giảm khả năng tập trung sâu và duy trì chú ý liên tục.
Suy giảm kết nối với cảm xúc thật – vì não bộ luôn trong trạng thái kích thích tức thời và liên tục.
Đáng sợ hơn, AI có thể nghĩ hộ, viết hộ, trong khi cha mẹ – vì thương con, vì bận rộn – lại vô tình ra quyết định hộ, làm thay, và tránh cho con mọi khó khăn. Vậy là cả hệ thống cùng nhau… trì hoãn hoặc làm tê liệt quá trình phát triển não bộ và nhân cách của đứa trẻ.
𝐓𝐫𝐨̛̉ 𝐥𝐚̣𝐢 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐛𝐚̉𝐧 𝐧𝐚̆𝐧𝐠 𝐥𝐚̀𝐦 𝐜𝐡𝐚 𝐦𝐞̣: 𝐂𝐡𝐚̣̂𝐦 𝐥𝐚̣𝐢 đ𝐞̂̉ 𝐝𝐚̂̃𝐧 đ𝐮̛𝐨̛̀𝐧𝐠
Trong một thế giới nơi điều ta biết hôm nay, ngày mai có thể đã lỗi thời – vẫn còn một thứ giá trị không bao giờ cũ: vai trò của cha mẹ như người dẫn đường trầm lặng nhưng kiên cường. Và những điều tưởng như “cũ kỹ” lại chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh của con trẻ:
Đọc cùng con một quyển sách dày.
Cùng con làm vườn, nấu ăn, hoặc đơn giản là đi bộ và trò chuyện.
Ngồi lắng nghe con kể chuyện mà không vội sửa sai hay đánh giá.
Đó là cách ta lặng lẽ rèn luyện cho con tư duy, cảm xúc, khả năng ra quyết định và sức bền tinh thần. Những kỹ năng đó, không công cụ công nghệ nào có thể thay thế.
Parenting thời đại biến động dữ dội như hôm nay không phải là trải sẵn con đường dễ dàng, mà là dám dẫn con đi con đường đúng – nơi trẻ cần nỗ lực, đôi khi vấp ngã, nhưng sẽ lớn lên với nội lực mạnh mẽ và khả năng cạnh tranh thật sự.
𝐘𝐞̂𝐮 𝐜𝐨𝐧 – đ𝐮̛̀𝐧𝐠 𝐜𝐡𝐨̣𝐧 𝐬𝐮̛̣ 𝐝𝐞̂̃ 𝐝𝐚̀𝐧𝐠
Chúng ta không thể chặn đứng làn sóng công nghệ, cũng không thể ngăn con tiếp cận AI và thế giới số. Nhưng ta có thể chọn trở thành người dẫn đường tỉnh táo.
Làm cha mẹ trong thời đại mới đòi hỏi một sự tỉnh thức sâu sắc: biết lúc nào cần buông tay để con độc lập, nhưng cũng biết khi nào cần ngồi xuống cạnh con và hỏi:
“Hôm nay con đã gặp điều gì vui hoặc khó khăn? Mình cùng nói về nó nhé.”
Hãy chọn làm cha mẹ tỉnh thức, bởi vì một ngày nào đó, bạn sẽ cảm ơn chính mình – vì đã không chạy theo sự dễ dàng, mà đã ở lại bên con, trong những năm tháng quan trọng nhất của sự trưởng thành.
- Bài viết được viết bởi cô Ngô Thanh Giang - Người sáng lập, Cố vấn giáo dục cao cấp Hệ thống giáo dục liên cấp Jean Piaget -